Nhà thông minh với chi phí thấp
Nhu cầu về tiện nghi trong cuộc sống ngày càng cao, trong các gia đình ngày càng xuất hiện nhiều loại thiết bị phục vụ sinh hoạt, làm việc, giải trí của con người. Tuy nhiên, việc điều khiển và kiểm soát các thiết bị này trở nên phức tạp, tốn nhiều thao tác và thời gian, gây lãng phí điện năng. Ở nước ngoài, đã có nhiều sản phẩm điều khiển tự động các thiết bị trong nhà (nhà sử dụng điều khiển tự động các thiết bị trong sinh hoạt hàng ngày còn gọi là nhà thông minh) nhưng có chi phí không hề rẻ, việc thi công lắp đặt và sử dụng cũng khá phức tạp, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam, hầu hết chỉ các công trình cao cấp mới có khả năng ứng dụng. Trước thực tế này, Công ty CP Công nghệ ACIS đã nghiên cứu sản phẩm tập trung vào tính năng linh hoạt, dễ thi công lắp đặt, dễ sử dụng, phù hợp với mọi đối tượng, mọi quy mô công trình. Hướng đi của ACIS đã được SHTP-IC tiếp sức hoàn thiện và đưa ra thị trường.
Ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng (Giám đốc ACIS) giới thiệu về EASYCONTROL,
sản phẩm đang được bán chạy trên thị trường. Ảnh: LV.
ACIS được thành lập năm 2012 là kết quả của dự án về trung tâm trí tuệ nhân tạo. Ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng (Giám đốc ACIS) cho biết, với lợi thế làm chủ về công nghệ và sản xuất độc lập, ACIS là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu và chế tạo các sản phẩm giải pháp điều khiển và kiểm soát thiết bị điện thông minh với chi phí thấp và khả năng tương thích cao, ACIS hiện là doanh nghiệp duy nhất thuộc lĩnh vực điện – điện tử tự động được ươm tạo tại SHTP-IC.
Sản phẩm chủ lực ACIS cung cấp trên thị trường là hệ thống điều khiển điện thông minh, giúp khách hàng có thể trang bị cho ngôi nhà của mình những tính năng cần thiết của một ngôi nhà thông minh với chi phí khá thấp. Hai gói giải pháp ACIS đưa ra thị trường là tủ tích hợp trung tâm POWERCONTROL và thiết bị điều khiển không dây EASYCONTROL được thiết kế đơn giản, dễ thi công lắp đặt, có thể sử dụng cho cả công trình xây mới hoặc nhà có sẵn. So với các sản phẩm nhập ngoại, giá thành sản phẩm của ACIS chỉ bằng 1/5-1/10 (khoảng 10-100 triệu đồng cho một căn nhà riêng lẻ hoặc biệt thự; trong khi các sản phẩm nhập ngoại có giá từ 200 triệu trở lên).
POWERCONTROL, hệ thống kiểm soát điện thông minh
cho ngôi nhà thông minh. Ảnh: LV.
POWERCONTROL là hệ thống điều khiển điện trung tâm cho phép điều khiển tất cả các thiết bị điện trong nhà từ xa, hoặc theo chương trình được lập sẵn. Hệ thống giúp kiểm soát mức tiêu thụ năng lượng trong gia đình, đồng thời kiểm soát an toàn, bảo vệ hệ thống điện và phát điện dự phòng tự động cho các ngôi nhà.
EASYCONTROL gồm nhiều dòng sản phẩm rời, sử dụng linh hoạt và tiện lợi nên phù hợp trong gia đình. Đó có thể là một dạng công tắc điện thông minh, được điều khiển từ xa qua điện thoại, máy tính; có khả năng kết nối đồng bộ với các hệ thống báo cháy, báo trộm, giúp việc sử dụng các hệ thống thiết bị trong nhà được an toàn, tiết kiệm và hiệu quả.
Theo ông Đồng, nhà thông minh đang là một xu thế, nhưng chưa phổ biến tại Việt Nam. Với giải pháp ACIS cung cấp, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận công nghệ mới, bước đầu sử dụng ngôi nhà thông minh. Vì vậy, tiềm năng thị trường lĩnh vực này còn rất lớn. Doanh doanh thu năm 2013 từ dòng sản phẩm EASYCONTROL khoảng 500 triệu đồng. Với sự hỗ trợ từ SHTP-IC, ACIS sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển chuyên sâu để đa dạng hóa mẫu mã và tính năng sản phẩm, cung cấp ra thị trường gói giải pháp hạng trung phục vụ hệ thống nhà thông minh. Hiện ACIS đang được SHTP-IC hỗ trợ tạo điều kiện nghiên cứu thực hiện thí điểm dự án hệ thống chiếu sáng thông minh tại Khu Công nghệ cao TP.HCM
Kỳ vọng từ vườn ươm
Ngoài ACIS, hiện tại SHTP-IC cũng đang ươm tạo 5 dự án, doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Robot Việt Nam; dự án chế tạo hệ thống kho hàng tự động; dự án máy viễn áp chăm sóc sức khỏe từ xa; dự án hệ thống phòng học thông minh và dự án máy cân bằng động của Công ty TNHH Khoa học Công nghệ HoneyB. Các hỗ trợ từ SHTP-IC cho các doanh nghiệp, dự án này là thiết bị, văn phòng làm việc, phòng R&D, nhà xưởng xây sẵn; tổ chức giới thiệu sản phẩm, kết nối nhà đầu tư, tư vấn công nghệ, giới thiệu đối tác; hỗ trợ xây dựng kế hoạch kinh doanh, hoàn thiện sản phẩm… Đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký doanh nghiệp khoa học công nghệ để hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tiếp cận nguồn vốn.
Năm 2013, SHTP-IC đã đăng ký thành công Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao của Bộ Khoa học và Công nghệ cho Công ty Robot với khoản kinh phí được hỗ trợ là 3,5 tỷ đồng, đồng thời tiếp xúc và làm việc với 5 dự án tiềm năng để đưa vào ươm tạo; ký kết với Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ của Đại học Quốc gia thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ giai đoạn 2013- 2017; đưa vào hoạt động Câu lạc bộ Khởi sự doanh nghiệp công nghệ; tổ chức thành công cuộc thi Sáng tạo ứng dụng di động – Mobile Innovation Challenge 2013 và Cuộc thi Lập trình di động phục vụ bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em.
Những thành công bước đầu của các doanh nghiệp tại SHTP-IC cho thấy, từ ý tưởng đến sản phẩm thương mại ra thị trường là con đường rất dài và không dễ dàng. Ở lĩnh vực điện – điện tử như ACIS nói riêng và các lĩnh vực công nghệ cao nói chung, đòi hỏi đầu tư lớn và đồng bộ. Thực tế phần lớn các doanh nghiệp thiếu vốn, thiếu thiết bị máy móc phục vụ nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, phải thuê mướn tốn kém. Các nguồn vốn vay vẫn khó tiếp cận, làm doanh nghiệp nản lòng. Ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng chia sẻ, hiện tại, ACIS chủ yếu vẫn đang “tự xoay sở”, những nỗ lực từ vườn ươm là rất cần thiết, song mới chỉ là bước đầu tìm hướng vừa đi vừa “gỡ”, mong sao có sản phẩm bán được trên thị trường đã là thành công. Vì vậy, rất cần một nguồn vốn chủ động dạng quỹ đầu tư mạo hiểm giúp doanh nghiệp tự đứng được bằng ý tưởng nghiên cứu của chính mình. Nhà nước và doanh nghiệp có thể kết nối xây dựng câu lạc bộ doanh nghiệp mà ở đó quy tụ các chuyên gia giỏi của nhiều lĩnh vực như tài chính, kinh doanh, kỹ thuật công nghệ, thiết kế phát triển sản phẩm, các nhà đầu tư có tiềm lực… dựa vào các chính sách, xây dựng được nguồn tài chính và chủ động duy trì phát triển hoạt động ươm tạo.
Hoạt động hỗ trợ của SHTP-IC cho các doanh nghiệp ươm tạo còn hạn chế do những khó khăn về cơ sở vật chất, máy móc thử nghiệm, kinh phí cho việc ươm tạo, nhà xưởng…. Mặt khác, chủ trương, chính sách hỗ trợ cho vườn ươm, doanh nghiệp ươm tạo chưa được cụ thể hóa; thiếu hụt nhân sự cả về số lượng và kinh nghiệm quản lý vườn ươm; kinh phí cho cán bộ công chức, nhân viên nâng cao nghiệp vụ và học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước còn hạn chế. Với những định hướng hoạt động và đề xuất “tháo gỡ” trong thời gian sắp tới, hy vọng hoạt động vườn ươm sẽ vươn mình mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp được ươm tạo có sự khởi đầu đúng hướng và tồn tại, phát triển bền vững. Đó cũng là con đường tất yếu để gắn kết giữa đào tạo – nghiên cứu và sản xuất kinh doanh.
cesti.gov.vn
LAM VÂN, STINFO Số 1&2/2014